Thâm canh tăng vụ, thời gian cách ly giữa các vụ ngắn, thậm chí nơi cắt, nơi gieo... dẫn đến dịch hại trên lúa ngày càng tăng, làm tăng chi phí sản xuất.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích đất sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL, với hơn 300.000 ha. Vụ hè thu 2017 đến nay đã gieo sạ được 287.443/295.000 ha; diện tích đã thu hoạch được hơn 60.000 ha. Vụ lúa thu đông 2017, tỉnh có kế hoạch gieo sạ 90.000 ha. Hiện các địa phương đã xuống giống được gần 50% diện tích, tập trung chủ yếu ở huyện Giồng Riềng (24.742 ha), Tân Hiệp (12.579 ha), Châu Thành (4.541 ha) và Rạch Giá (406 ha).
Nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh
Anh Nguyễn Quang Tuấn ở xã Tân An, huyện Tân Hiệp đang chăm sóc lúa thu đông cho biết: “Tôi canh tác 6 ha, trong đó có 2,5 ha đất của nhà, còn lại mướn của hộ bên cạnh. Do làm 3 vụ/năm nên thời gian cách ly rất ngắn. Sau khi thu hoạch lúa hè thu, gia đình tôi chỉ có hơn 2 tuần để xử lý rơm, rạ, vệ sinh đồng ruộng nên làm rất cập rập. Vì vậy, lúa mới gieo sạ bị ngộ độc hữu cơ, đến nay mới 35 ngày nhưng đã phải phun 3 đợt thuốc trị bù lạch, sâu ăn lá và rầy nâu... Thậm canh tăng vụ, nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập nhưng dịch hại ngày càng nhiều làm đội chi phí”.
Th.S Võ Thị Hồng Thủy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang cho biết, tổng diễn tích nhiễm sâu bệnh trên lúa hè thu và thu đông 2017 trên địa bàn tỉnh hơn 13.000 ha, tăng hơn 3.000 ha so với tuần trước. Các loại dịch hại chủ yếu là đạo ôn lá, rầy nầu, sâu cuốn lá và bù lạch. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn là 3.883 ha, chủ yếu trên lúa hè thu, tỷ lệ gây hại từ 5 - 10%, cấp bệnh 1 - 3, xuất hiện ở tất cả các huyện. Rầy nâu, diện tích nhiễm là 3.068 ha, tăng 1.268 ha so với tuần trước, mật độ 1.000 - 2.000 con/m2, tuổi rầy 1 - 3, xuất hiện chủ yếu ở huyện Gò Quao, Giang Thành và Rạch Giá. Sâu cuốn lá diện tích nhiễm 3.200 ha, tăng gấp đôi so với tuần trước.
Theo dự báo, do điều kiện thời tiết mưa, nắng xen kẽ, kết hợp với các trà lúa đang tập trung ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn sẽ phát sinh phát triển, nhất là trên những chân ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm (OM 7347, OM 4218, OM 4900, Jasmine...). Rầy nâu có thể phát triển cục bộ trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng ở những ruộng sạ dầy, bón thừa đạm và phun thuốc trừ sâu sớm. Cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm để có biện pháp phòng trị kịp thời, hiệu quả. Các huyện chuẩn bị gieo sạ lúa thu đông cần theo dõi diễn biến rầy nâu di trú và diễn biến của thời tiết để xuống giống không bị mưa gây ngập úng phải gieo sạ lại và hạn chế thấp nhất rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa.
An Giang là địa phương xuống giống lúa hè thu muộn nhất ĐBSCL. Tính đến ngày 21/6 diện tích xuống giống là 21.400/22.280 ha, dự kiến giữa tháng 7 có khoảng 25% diện tích thu hoạch và dứt điểm khoảng giữa tháng 9. Theo đó dịch hại có điều kiện lây nhiễm, phát sinh, phát triển gây hại vụ thu đông.
Ông Võ Thanh Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết, lúa hè thu ở giai đoạn mạ đến chín nhiễm 9 đối tượng sâu bệnh như chuột, rầy nâu, sâu cuốn lá, cháy bìa lá, đạo ôn lá, vàng lá... Diện tích nhiễm trong tuần cuối tháng 6 là 8.135 ha, trong đó nhiễm nhẹ 7.269,2 ha, nhiễm trung bình 865,5 ha. So tuần trước diện tích nhiễm tăng 1.416 ha. Nhiễm rầy nâu 2.774 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.916 ha, nhiễm trung bình 857 ha. So tuần trước diện tích nhiễm tăng 1.111 ha. Nhiễm bệnh đạo ôn 929 ha, trong đó nhiễm nhẹ 925 ha, tỷ lệ gây hại từ 4 - 10%. Bện cạnh đó bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá gây hại từ nhẹ đến nặng tại huyện An Phú 150 ha, huyện Chợ Mới 57,6 ha, TX Tân Châu 15 ha… Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện rải rác với mật số thấp trên các trà lúa.
Theo ông Tân, để hạn chế sự gây hại của dịch hại và giảm chi phí sản xuất lúa, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật của chương trình “1 phải 5 giảm” như sử dụng giống xác nhận; gieo sạ theo hàng hoặc sạ thưa với lượng giống từ 80 - 100 kg/ha; bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, tránh bón thừa đạm... Xuống giống đúng lịch thời vụ, xuống giống tập trung, né rầy và đồng loạt trên từng tiểu vùng.
Tích cực tham gia áp dụng chương trình công nghệ sinh thái để dẫn dụ thiên địch đến ruộng giúp phòng trừ được sâu rầy hại lúa; áp dụng quản lý dịch hại bằng biện pháp tổng hợp (IPM). Không sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn 40 ngày đầu nhằm giữ hệ thiên địch...
Đ.T.CHÁNH – LÊ HOÀNG VŨ - Báo Nông nghiệp Việt Nam