Đang truy cập: 25 Trong ngày: 195 Trong tuần: 344 Lượt truy cập: 183583 |
Bệnh khảm lá trên cây mì ở tỉnh Tây Ninh đang chiếm đến 91% diện tích sản xuất mì gần 35 ngàn ha. Nếu ngành Nông nghiệp địa phương không có biện pháp phòng chống hiệu quả, sẽ có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng xuất khẩu nguyên liệu mì trong thời gian tới
Cán bộ khoa học kiểm tra mì bị thối củ do nhiễm bệnh khảm lá |
Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, đến cuối tháng 7/2018 địa phương này đã trồng gần 35 ngàn ha mì với các giống phổ biến như HLS 11, KM 140, KM 94, KM 419, cùng một số ít diện tích giống KM 505, MO 101. Thế nhưng, diện tích nhiễm bệnh khảm lá hiện lên đến 31 ngàn ha, chiếm 91% diện tích sản xuất và tăng 5,3 lần so với năm 2017.
Có thể nói, bệnh khảm lá tiếp tục lây lan gây hại trên diện rộng. Vừa qua, trong buổi làm việc với ngành Nông nghiệp tỉnh về công tác phòng chống bệnh khảm lá, ông Nguyễn Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Trồng trọt) nhấn mạnh, nếu bệnh virus gây hại này không ngăn chặn kịp thời và triệt để sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, có nguy cơ tàn phá ngành sản xuất mì, bởi Tây Ninh có diện tích trồng mì lớn nhất nước, từ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình xuất khẩu nguyên liệu mì trong thời gian tới”, ông Sơn nói.
Theo số liệu thống kê, trong tháng 6/2018, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì của tỉnh Tây Ninh ước đạt 15,2 triệu USD, giảm 6% so cùng kỳ. Còn thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì cả nước trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,5 triệu tấn với giá trị 560 triệu USD, giảm 24,6% về lượng.
Theo đó, giá xuất khẩu mì lát của Việt Nam (FOB) trong tháng 6/2018 giảm còn 242 USD/tấn, giá tinh bột mì xuất khẩu được chào giá ở mức 520 USD/tấn, tương đương với giá tinh bột mì của Thái Lan trong tháng 6, sau khi nước này hạ giá chào bán. Mặt khác, giá mì lát của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc cũng tiếp tục giảm do nhu cầu từ thị trường này tiếp tục ở mức thấp.
Chính vì thiếu nguyên liệu, nên từ quý 4/2017 đến nay, giá củ mì tươi luôn tăng cao từ 2.500 đồng/kg lên 3.700 đồng/kg đã kích thích nông dân tiếp tục xuống giống, họ không tỏ ra không hề sợ dịch bệnh khảm lá, không tuân thủ theo hướng dẫn của địa phương.
Thế nên, chỉ trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phải cày bỏ 143 ha mì nhiễm bệnh, trong đó chỉ có một số ít người trồng đồng thuận tiêu hủy với diện tích bị nhiễm qua giống dưới 2 tháng tuổi, có tỷ lệ nhiễm hơn 70%. Còn diện tích nhiễm bệnh dưới 70% và nhiễm muộn sau 2 tháng tuổi, người trồng không tiêu hủy mà tiếp tục chăm sóc đến cuối vụ thu hoạch.
Hiện, các nhà máy chế biến củ mì ở đây đang “đói” nguyên liệu. Với 80 nhà máy có tổng công suất hoạt động khoảng 5,5 ngàn tấn sản phẩm/ngày, tức 166 ngàn tấn sản phẩm/tháng. Trong đó, 18 Cty, doanh nghiệp có công suất từ 50 - 300 tấn/ngày đã cho thấy nhu cầu về nguyên liệu củ khoai mì của các nhà máy chế biến rất lớn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã và đang kiếm thêm nguồn nguyên liệu từ các tỉnh lân cận, cũng như nhập khẩu từ bên Campuchia.
Nhưng theo dự báo, nguồn cung cấp nguyên liệu mì từ Campuchia cũng đã gần hết và chất lượng mì cũng bị ảnh hưởng do virus bệnh khảm lá rất nghiêm trọng. Trong khi đó, Thái Lan lại đang xem xét việc cấm nhập khẩu mì từ Campuchia trong thời gian tới do lo ngại lây lan virus khảm lá.
Theo chỉ đạo của ông Lê Quốc Doanh (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT), sắp tới Cục Trồng trọt cần phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh xây dựng những chương trình khuyến nông mang tính chất đặc biệt nhằm kiểm soát nguồn giống sạch bệnh.
Trước mắt, cần chọn một điểm trên địa bàn tỉnh này khoanh vùng xuống giống và được kiểm soát chặt chẽ từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, với mục đích tạo ra nguồn giống chất lượng kháng bệnh, phục vụ cho sản xuất trong thời gian nhanh nhất.
NN&PTNT